Đã có bài văn tốt nghiệp điểm 9

20:34 |
Dù đề thi tốt nghiệp năm nay có nhiều ý kiến cho rằng khó, nhưng với cách ra đề thi ra theo hướng mở khiến các giám khảo khá hứng thú trước bài làm của thí sinh. Đã xuất hiện điểm 9 môn văn, nhiều điểm 9,5 môn sử.

Tại Hải Phòng, trao đổi với VietNamNet, một giáo viên chấm văn tốt nghiệp năm nay cho biết hiện hội đồng mới bắt đầu chấm thi, chấm chung được 16 bài chưa khớp nhưng tình hình chung đề thi ra đổi mới, đáp ứng tư duy học sinh.

Bài làm của học sinh khá hứng thú do không phải học nhiều các tác phẩm như năm trước. Có bài lập luận sắc sảo, đề cập tình hình thời sự tốt. Điểm số của học sinh đa phần ở mức khá, rất ít bài ở trung bình. Phổ điểm dao động từ 6-7 điểm.

bài văn, tốt nghiệp, 9 điểm, đáp án, Hải Phòng
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 (Ảnh: Văn Chung).

Một bài thi của thí sinh đã được cho 9 điểm. Theo giáo viên nay, cả hội đồng khi đọc bài làm của em đều sởn gai ốc vì em làm chủ mọi tình huống. Bài viết sắc sảo và lồng ghép được những cảm xúc chân thành khiến thầy cô đọc xong thấy mình tâm huyết với nghề hơn. Đây là tín hiệu vui từ kiểu ra đề mới này.

Nói thêm bài văn xuất sắc, giám khảo này cho biết: Câu 1 có 3 ý/3 điểm học sinh làm và được chấm 3/3 điểm. Câu này, theo nhận xét của các giám khảo em làm còn "hay hơn đáp án" khi vừa sắc vừa tinh.

Vấn đề biển Đông được lập luận chắc chắn, cập nhật thông tin trên phương tiện truyền thông, thể hiện quan điểm đúng mực của một học sinh. Bài không đơn thuần dẫn chứng mà lồng cảm xúc khiến giám khảo rất thích thú.

Câu 2 có 7 điểm thì em đạt 6 điểm. Đề ra cố ý đưa nghị luận văn học là một vở kịch nhận biết nội dung thấy khát vọng sống hồn Trương Ba nhưng qua đó phải thấy được ý nghĩa của khát vọng sống đó là gì và thể hiện quan điểm thái độ của chính mình về việc được sống là mình. Em học sinh nhận diện được vấn đề cần phải lồng ghép trong một bài văn khá nhuần nhuyễn và được chấm 6/7 điểm.

Cũng theo giám khảo này, những bài văn ngô nghê năm nay sẽ rất ít. Có một vài bài học sinh viết văn không trau truốt ví dụ như ở câu hỏi 7 điểm một học sinh đang phân tích khát vọng sống hồn Trương Ba lại nói sang thái độ của bản thân rồi lại lộn ngược lại, lặp đi lặp lại nên khiến giám khảo hơi buồn cười.

Tương tự, tại Hà Nội, theo chia sẻ của một giám khảo chấm văn hiện tại điểm cao hẳn không nhiều, điểm trung bình từ 5-7 điểm nhiều. Điểm 8 cũng có nhưng khá ít. Tinh thần của đề các em nắm bắt được nhưng cách thể hiện để gặt điểm số cao không xuất hiện nhiều.

Đối với câu hỏi về biển, đảo, có những bài viết vượt qua mong muốn của giám khảo vì quá hay, quá đầy đủ, có lẽ do thí sinh quá phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng nhiều em lại viết quá dài, vượt giới hạn một đoạn ngắn thể hiện thái độ như đề bài ra.Tại câu hỏi 7 điểm, có em lồng hai yêu cầu vào với nhau nhưng sự chuyển ý còn vụng về, chưa thuyết phục. .

Theo thông kê bước đầu của Sở GD-ĐT Quảng Bình, trong số hơn 55% bài thi môn lịch sử đã có 45 em đạt điểm 9,5, còn môn văn cao nhất là 8,5 điểm. Môn toán trong số 26,1% bài thi đã được chấm có 29 em đạt điểm tuyệt đối, tuy nhiên vẫn có hai em bị điểm liệt (dưới 1). 

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ đổi mới đào tạo giáo viên

18:13 |
Đổi mới đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng, then chốt để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo theo tinh thần Nghị quyết TW 8 (khóa XI). Đổi mới đội ngũ giáo viên là thực hiện việc bồi dưỡng tay nghề cho những giáo viên đang đứng lớp, nhằm tạo sự thay đổi về tư tưởng, nâng cao ý thức tự giác của các thầy giáo, cô giáo về việc đổi mới giáo dục, đổi mới cách thức lên lớp, đổi mới suy nghĩ về vai trò của học sinh.
Đổi mới giáo dục bắt đầu từ đổi mới đào tạo giáo viên

Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện phục vụ đào tạo xác định: Muốn đổi mới giáo dục, mỗi nhà giáo phải tự đổi mới phương pháp dạy học, làm sao cho học sinh có cơ hội tìm tòi, khám phá, để cả thầy và trò không phải học theo kiểu thụ động mà đồng hành cùng học tập, nghiên cứu.

Cô giáo Đỗ Hương Trà, giảng viên khoa Lý, Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng: "Đào tạo giáo viên nói chung, cũng như đào tạo sinh viên thì đào tạo thông qua trải nghiệm. Tức là người học tự thực hiện các nghiên cứu, từ đó rút ra được những tiến trình hướng dẫn cho học sinh học như thế nào. Do đó, cách thức dạy học, cách thức đào tạo sẽ hơi khác, ngay cả đối với giảng viên. Một trong những khó khăn, rào cản lớn nhất chính là thói quen, thay đổi nếp dạy học đã cũ. Bây giờ người dạy với tư cách là người hướng dẫn, phải đứng lùi về phía sau để đưa người học lên trước. Quá trình dạy học phải đi theo người học chứ không phải do người dạy áp đặt, chuẩn bị sẵn".

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, muốn đổi mới, trước hết, các trường Sư phạm phải đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo. Sư phạm phải đi trước một bước. Rút kinh nghiệm của những lần cải cách giáo dục trước chỉ cải cách phương pháp giáo dục nhưng lại không cải cách hệ thống sư phạm, cho nên giữa đào tạo giáo viên và dạy phổ thông chưa ăn khớp với nhau. Lần này ngành giáo dục phải làm thế nào đưa các nội dung chương trình sách giáo khoa mới, hoạt động của trường phổ thông vào trường Đại học để sinh viên sư phạm hiểu rõ khi ra trường sẽ phải làm gì.

"Muốn làm được như vậy, tất cả các trường sư phạm phải đổi mới chương trình sao cho quá trình đào tạo giáo viên sát hợp được với yêu cầu đào tạo phổ thông ở đại học và các cấp. Chương trình sư phạm đào tạo phải ăn khớp với hướng đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp. Đào tạo một thầy giáo cũng giống như đào tạo một người thợ lành nghề. Hiện nay, ta đang đòi hỏi học sinh phải học sáng tạo và biết tự học thì giáo viên cũng phải được huấn luyện, bồi dưỡng để giúp cho học sinh biết học một cách sáng tạo và tự học. Cho nên, kèm theo nhà trường sư phạm phải đổi mới thì hiện nay hệ thống các giáo viên đang hoạt động trong các nhà trường phải được huấn luyện, phải được đào tạo lại để có năng lực đáp ứng được yêu cầu đào tạo học sinh mới"- Giáo sư Phạm Tất Dong nói.

Cùng chung quan điểm về việc đào tạo lại giáo viên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: Người làm nghề dạy học thì phải có nghề. Để các nhà giáo đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong quá trình giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, cần phải có những đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bồi dưỡng tay nghề phải gắn với thực tiễn, giảng viên phải được tuyển chọn từ chính những người có tay nghề giỏi. Phải ý thức được bồi dưỡng tay nghề cho giáo viên khác với bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tức là sau khi được bồi dưỡng nâng cao nhận thức và được thực hành tay nghề, giáo viên phải tự nâng cao trình độ bằng việc tự trải nghiệm một số thời gian nhất định trên lớp, khi nào giáo viên đủ tự tin, tự khẳng định mới mời người đến kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ giáo viên đạt "trình độ thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy".

Việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên để phù hợp với hiện tại là một trong những nhân tố quan trọng, then chốt để thực hiện đổi mới dạy và học. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải nỗ lực tự học, tự phấn đấu, tự đổi mới chính mình để nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà

Quản lý dạy thêm, học thêm: Kiên quyết xử lý sai phạm

01:01 |
Hơn một tháng sau ngày khai giảng năm học 2013-2014, thông qua việc tổ chức 20 đoàn kiểm tra đột xuất tại các trường trên địa bàn, Hà Nội đã phát hiện một số sai phạm trong dạy thêm, học thêm (DTHT) và kiên quyết chấn chỉnh. Đây là năm học đầu tiên Hà Nội thực hiện việc quản lý DTHT theo Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND do UBND thành phố ban hành ngày 25-6-2013.


Hà Nội đang từng bước chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Ảnh: Bá Hoạt

Kiểm soát chặt các nhóm trông học sinh ngoài giờ

Nhằm chấn chỉnh toàn bộ hoạt động DTHT trái quy định trên địa bàn thành phố, sau Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND về DTHT của UBND thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn quản lý, tổ chức trông giữ ngoài giờ đối với HS tiểu học Hà Nội. Văn bản này ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh HS tiểu học, cũng là một đặc thù của Hà Nội so với nhiều địa phương trên cả nước. Đó là do cơ sở vật chất một số nơi chật hẹp, HS chỉ có thể học một buổi ở trường, buổi còn lại cha mẹ muốn nhờ cô trông giữ, điển hình như trường Lê Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng). Cũng có trường hợp HS học 2 buổi/ngày nhưng cha mẹ có nguyện vọng gửi con sau khi kết thúc buổi học thứ 2 khi không có điều kiện đón về nhà đúng giờ. Trường hợp này phổ biến ở các trường khu vực nội thành.

Để tránh những hiểu lầm từ phía phụ huynh và dư luận xã hội, đồng thời tạo căn cứ pháp lý rõ ràng trong tổ chức thực hiện và quản lý, kiểm tra, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định rõ: Khi có nhu cầu, cha mẹ đăng ký trên tinh thần tự nguyện; nhà trường, giáo viên không được dùng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp để gợi ý, ép buộc HS tham gia. Việc tổ chức các nhóm trông giữ không được tổ chức vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Thời khóa biểu của các nhóm trông giữ HS cũng được niêm yết rõ với yêu cầu các nhà trường bắt buộc tuân theo để tránh gây căng thẳng, áp lực cho HS. Cụ thể, trong mỗi buổi, giáo viên chỉ được dành 1/3 thời gian để hướng dẫn HS tự học, 2/3 thời gian còn lại dành cho việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho HS.

Phòng GD-ĐT là đơn vị chịu trách nhiệm về việc quản lý, chỉ đạo hoạt động trông giữ HS ngoài giờ học chính khóa các trường trên địa bàn, từ khâu thẩm định các điều kiện tổ chức đến việc kiểm tra mọi mặt hoạt động của các nhóm trông giữ HS ngoài giờ. Mối lo lớn nhất trong quản lý là việc các nhóm trông giữ HS ngoài giờ bị biến tướng thành các lớp DTHT, mà theo quy định của Bộ GD-ĐT, cấp tiểu học không được tổ chức DTHT. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, từ nay đến cuối năm học, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường thanh tra đột xuất các địa điểm trông giữ HS tiểu học ngoài giờ, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử phạt đối với cơ sở vi phạm và cả đơn vị quản lý địa bàn.

Tăng cường thanh tra


Trước thềm năm học mới 2013-2014, trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh những lo ngại về việc quản lý DTHT như "bắt cóc bỏ đĩa", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, năm học này sẽ quyết liệt chấn chỉnh tình trạng DTHT trái quy định thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm: tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc HS học thêm, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản... Việc biên soạn chương trình, SGK để áp dụng từ sau năm 2015 cũng là một giải pháp căn bản góp phần khắc phục tình trạng DTHT tràn lan.

Tăng cường thanh tra là giải pháp được Sở GD-ĐT Hà Nội tập trung triển khai từ nay tới cuối năm học nhằm tạo nền nếp dạy - học ở các nhà trường trên địa bàn, đồng thời phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về DTHT. Một tuần sau ngày khai giảng năm học mới, Hà Nội đã thành lập 20 đoàn kiểm tra. Trong số hơn 100 trường được kiểm tra, khá nhiều sai phạm liên quan đến DTHT đã được phát hiện. Cụ thể là khi xếp lớp để tổ chức DTHT không phân loại HS theo quy định (điển hình như THCS Trần Đăng Ninh); chưa kiểm tra đầy đủ và lưu giữ bài soạn của giáo viên dạy thêm, chưa có chương trình dạy thêm cho từng môn (THCS Thanh Mai, Hà Đông); dự toán kế hoạch thu - chi về DTHT chưa rõ ràng (THCS Phụng Thượng, Phúc Thọ), thu tiền DTHT quá mức trần, chi không đúng tỷ lệ quy định...

Trước đó, vào đầu năm học mới, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn yêu cầu giáo viên ký cam kết không vi phạm các quy định về DTHT. Vì vậy, những trường hợp cố tình vi phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc theo quy định. Theo kế hoạch, khoảng đầu tháng 11 này, Hà Nội tiếp tục kiểm tra, thanh tra hoạt động DTHT, trong đó sẽ lưu ý những đơn vị đã được "điểm mặt, chỉ tên" ở đợt kiểm tra vừa qua.

- Mức trần thu phí DTHT trong nhà trường:

+ Cấp THCS: thấp nhất là 6 nghìn đồng/tiết/HS (đối với lớp từ 40 HS trở lên); cao nhất là 26 nghìn đồng/tiết/HS (lớp dưới 10 HS).

+ Cấp THPT: thấp nhất 7 nghìn đồng/tiết/HS; cao nhất 32 nghìn đồng/tiết/HS.

- Tỷ lệ chi tiền DTHT: 70% cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; 15% chi công tác quản lý; 15% hỗ trợ điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất.

- Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được Hội đồng giáo dục nhà trường thông qua và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ hằng năm của đơn vị. Thống Nhất

Phòng học thông minh, đầu tư sao để không lãng phí?

00:59 |
Mô hình phòng học thông minh với những trang thiết bị hiện đại, hệ thống các thiết bị tương tác thay cho bảng đen phấn trắng, sách giáo khoa điện tử thay thế tình trạng học sinh còng lưng "gánh sách" tới trường đang được một số địa phương "khởi xướng".

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết rất khuyến khích mô hình này, tuy nhiên các địa phương phải tính toán sao cho hiệu quả nhất, không đầu tư dàn trải, lãng phí.



Từ phòng học LAB tới phòng học tương tác

Những năm 1990, phòng học ngoại ngữ đa năng (gọi tắt là phòng LAB) bắt đầu được triển khai rầm rộ trong các trường học, trung tâm dạy ngoại ngữ ở các tỉnh, thành nước ta. Thời điểm đó, phòng LAB được xem là mô hình phòng học hiện đại nhất, khắc phục tình trạng "dạy chay, học chay". Tuy nhiên, đến thập niên cuối những năm 2000, hiệu quả phòng LAB không còn được đánh giá cao do có nhiều công nghệ giáo dục mới hiệu quả hơn đã xuất hiện với tính tương tác cao hơn. Phòng LAB tại nhiều trường ở thành phố hay nông thôn, miền núi được phủ bụi, hầu như không hoạt động.

"Phòng học LAB có ở Việt Nam từ những năm 1994, 1995, tại thời điểm đó các trường sử dùng vẫn hiệu quả cho tới khi đổi mới phương pháp dạy học thì phòng LAB không hiệu quả nữa", đại diện Bộ GD&ĐT cho biết. Theo phương pháp dạy học mới, Bộ giáo dục không quy định cứng các trường phải đầu tư mô hình này mà chỉ hướng dẫn các trường đầu tư theo hai nhóm: nhóm 1 là các thiết bị dạy học tối thiểu để dạy ngoại ngữ, có những thiết bị truyền thống như cát sét, ti vi, over head, tranh ảnh minh họa, đó là những trang thiết bị tối thiểu. Nhóm 2, để dạy và học hiệu quả, các trường có thể đầu tư các phòng học thông minh với bảng tương tác, over head, hệ thống online với máy mẹ (của cô) nối với các máy con (máy học sinh), có kênh tiếng và kênh hình ( nếu đã có hệ thống này thay thể thì không phải đầu tư các thiết bị tối thiểu nữa nếu nó đã thay thể được các thiết bị tối thiểu cho tránh tốn kém, lãng phí).

Tại TP Hồ Chí Minh, mô hình phòng học thông minh với hệ thống các thiết bị tương tác đang được đầu tư với kỳ vọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ngay từ bậc học mầm non, tiểu học. UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án "phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông" và đề án "Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi", trong đó chấp thuận hỗ trợ 50% kinh phí để sắm bộ thiết bị bảng tương tác dùng trong các trường mầm non và tiểu học. 50% kinh phí còn lại được nhà trường vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ và thực hiện tại các trường có điều kiện. Riêng các nơi khó khăn ngân sách nhà nước sẽ chi 100%. "việc trang bị các phòng học tương tác nhằm từng bước hiện đại hóa các nhà trường, giúp học sinh tiếp cận với các thiết bị giáo dục hiện đại giống như các nước trong khu vực và trên thế giới đang thực hiện", ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.



Giờ học với bảng tương tác tại trường mầm non Vàng Anh (Q5, TPHCM).
"Trước đây khi không có hệ thống các thiết bị tương tác thì chúng tôi sử dụng đài Catset và ti vi LCD làm dụng cụ giảng dạy. Bảng tương tác không chỉ thay thế cả đài và ti vi mà còn có nhiều tính năng hữu hiệu giúp cho học sinh hứng thú với môn học, tiếp thu bài nhanh hơn, nhớ bài lâu hơn, hiệu quả hơn", thầy Đỗ Minh Luân, trường tiểu học Chính Nghĩa (Q5) chia sẻ.

Thầy Hồ Ngọc Thanh, giáo viên trường tiểu học Chính Nghĩa cũng cho biết: "Trung bình mỗi ngày tôi dạy khoảng 8 tiết học, các môn khác nhau, chỉ mang theo giáo án và học cụ đã là một "gánh nặng" thực sự. Từ khi có phòng học tương tác, chúng tôi soạn giáo án trên máy tính, tích hợp vào thư viện trên bảng và giảng dạy môn nào chỉ cần click chuột kéo ra là có đầy đủ, rất phong phú. Phòng học tương tác thực sự giúp nâng cao chất lượng bài giảng, giảm thời gian chuẩn bị học cụ, tăng thời gian tương tác giữa thầy với trò, với nội dung bài học".

Phòng học tương tác vốn được trang bị để học sinh học môn tiếng Anh song trước những hiệu quả trực tiếp mà hệ thống này mang lại, BGH trường tiểu học Chính Nghĩa đã tập huấn cho các giáo viên chủ nhiệm từ lớp 1 tới lớp 5 để đưa hệ thống phòng học tương tác vào nhiều môn học khác. "Trường chúng tôi được trang bị 3 bộ thiết bị tương tác, chúng tôi lắp cho 3 phòng học, các lớp trong trường luân phiên tới phòng học có hệ thống thiết bị tương tác để học. Các thầy cô đăng ký và nhà trường sẽ phân lịch để thầy cô sử dụng sao cho hợp lý, hiệu quả nhất. Hiện giáo viên và học sinh toàn trường đều đã được làm quen với các thiết bị tương tác. Các lớp học với phòng học tương tác đều sinh động hẳn lên", cô Đinh Kim Phượng, hiệu trưởng trường tiểu học Chính Nghĩa khẳng định.



Học tiếng Anh với bảng tương tác tại Trường tiểu học Chính Nghĩa.

Ở bậc mầm non, cô La Hồng Cúc, phó hiệu trưởng trường mầm non Vàng Anh (Q5) cho biết : "Sau một thời gian sử dụng chúng tôi thấy cái được của các phòng học tương tác là tạo sự hứng thú, tò mò cho trẻ, tiết học vì thế rát sinh động, vui vẻ, trẻ được học, được chơi, kết hợp phát triển trí óc và vận động chân tay. Trước đây, khi mới sử dụng hệ thống các thiết bị tương tác cũng có ý kiến phụ huynh học sinh e ngại cho trẻ sử dụng CNTT thế là quá sớm song khi được quan sát thực tế hệ thống thiết bị tương tác, hiệu quả của nó và nhất là việc thiết kế giờ học chừng mực (không quá 30 phút/lần học), phụ huynh đã hiểu và đồng thuận".

Bộ GD-ĐT: Các địa phương cần mạnh dạn "tự quyết"

TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm đưa hệ thống các thiết bị tương tác vào trường học nhằm đổi mới hoàn toàn phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giảng dạy theo mô hình tiên tiến của thế giới. Do đây là phương thức thực hiện mới trong đó vốn bố trí chỉ được 50% ngân sách hỗ trợ và phần vốn huy động xã hội hóa còn lại do phụ huynh đóng góp phải có thời gian dài nên Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND các quận giao cho phòng giáo dục làm chủ đầu tư để thực hiện gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi tại 1 quận của thành phố, sau đó lấy kết quả này áp dụng cho các quận khác.

Theo đó, đơn vị trúng thầu phải thực hiện theo hình thức đầu tư ứng vốn trước và được trả dần theo tiến độ thu. Điều này đòi hòi đơn vị trúng thầu phải là đơn vị có năng lực tài chính vững mạnh cùng với kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động ứng dụng CNTT vào trường học. Đơn vị trúng thầu phải ứng vốn trước hàng trăm tỷ đồng và chấp nhận thu hồi sau 18 tháng.

Chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã "trao quyền tự chủ hoàn toàn cho địa phương, địa phương chủ động và quyết định mua sắm gì, đầu tư gì sao cho hiệu quả và địa phương chịu trách nhiệm trước quyết định đầu tư của mình. " Các địa phương muốn đầu tư thiết bị phải căn cứ vào 3 điều kiện: trình độ giáo viên, khả năng tiếp cận của học sinh và tài chính và cơ sở vật chất trường học.Thực tế hiện nay nhà nước chưa đủ điều kiện để trang bị cho các trường học trang thiết bị hiện đại, phụ huynh thấy cần thiết thì tự nguyện đầu tư, coi như một dạng xã hội hóa tự nguyện, Bộ chỉ đưa ra các khung, các cảnh báo, hướng dẫn để các địa phương chủ động chứ không áp đặt", đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định. TP Hồ Chí Minh là địa phương tương đối đặc thù so với giáo dục cả nước, trình độ giáo viên tốt, học sinh mặt bằng chung là khá vì vậy địa phương hoàn toàn có đủ điều kiện để ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại của thế giới vào giảng dạy.

Bộ GD&ĐT cho biết, chủ trương của Bộ là luôn khuyến khích tất cả các địa phương tiếp cận với công nghệ mới, tiếp cận khoa học giáo dục thế giới song đầu tư mô hình phòng học thông minh hay chất lượng cao từ nguồn xã hội hóa thì phải tuân thủ nguyên tắc là hoàn toàn tự nguyện và hiệu quả, không gây áp lực với phụ huynh học sinh để thu thêm. "Tự nguyện là tự nguyện thật mới có sự giám sát cho hiệu quả chứ không thể bị áp lực bên ngoài. Các địa phương, các trường đã được trao quyền tự chủ cần mạnh dạn, đi tiên phong thì phải chấp nhận thành công và thất bại chứ nếu cứ sợ trách nhiệm, không dám thí điểm hay triển khai cái mới thì chúng ta sẽ không có đổi mới giáo dục toàn diện, căn bản", đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định.

Như vậy, theo xu hướng mới, việc thay thế hệ thống các phòng học tương tác đi cùng với các phần mềm hỗ trợ dạy học, hệ thống các chương trình quản lý chất lượng trong giáo dục đào tạo và đào tạo đội ngũ giáo viên, học sinh có thể sử dụng tốt các hệ thống này hoàn toàn có thể thay thể các phòng ngoại ngữ như phòng LAB để có thể có hiệu quả cao hơn và mức chi phí rẻ hơn, đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn , mở đầu cho việc đổi mới cơ bản chất lượng giáo dục đào tạo mà nghị quyết TW 8 đã đề ra.

Thầy Lê Công Minh, hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quang Khải, Q1:

"Tôi đã để ý tới hệ thống phòng học tương tác từ 10 năm trước và nói thực là tôi rất đam mêm ứng dụng CNTT vào trường học vì thấy nó quá tốt để nâng cao chất lượng giảng dạy. Dạy học bây giờ có rất nhiều phương pháp tiên tiến, thế giới đã thay đổi và Việt Nam cũng cần thay đổi cho phù hợp nếu muốn có chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế. Ở trường chúng tôi mới chỉ ứng dụng một số phần mềm đồ họa và thiết kế, trình chiếu trên máy tính thôi mà học sinh đã rất hứng thú và hào hứng với các giờ học, nếu được học bảng tương tác thì các em sẽ thích thú hơn nhiều".

Cô La Hồng Cúc, phó hiệu trưởng trường mầm non Vàng Anh, Q5:


"Trường chúng tôi có 700 cháu, phụ huynh học sinh đồng ý đóng góp 10 ngàn đồng/cháu/ tháng, không có học sinh nào từ chối hay phàn nàn với khoản thu này".

Giáo sư được kéo dài thời gian giảng dạy 10 năm

00:57 |
Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm



Đây là nội dung tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, giảng viên được kéo dài thời gian làm việc nếu có các điều kiện: Có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.

Trong thời gian kéo dài làm việc, người được kéo dài làm việc nêu trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Giảng viên trong thời gian làm việc kéo dài được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên.

Chính sách đối với giảng viên


Nghị định cũng quy định cụ thể chính sách đối với giảng viên. Theo đó, hệ thống chức danh và tiêu chuẩn các chức danh giảng viên được làm căn cứ để xếp hạng chức danh nghề nghiệp và thực hiện các chế độ chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn các chức danh giảng viên.

Thang, bậc lương đối với giảng viên được quy định cụ thể, có sự phân biệt khác nhau giữa 5 chức danh: Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư theo quy định của Luật giáo dục đại học. Chức danh phó giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp. Chức danh giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp.

Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài vận dụng quy định hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập để thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, bảo đảm không thấp hơn tiền lương và phụ cấp của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập có cùng trình độ đào tạo và thâm niên công tác.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2013.

Bộ GD-ĐT đã cho Trường CĐ Asean được tuyển sinh trở lại

00:55 |
Bộ GD-ĐT vừa có quyết định cho phép Trường CĐ Asean được tuyển sinh trở lại sau 4 tháng ra quyết định dừng tuyển sinh của trường này.
Ngày 19/9, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 6467/BGDĐT-GDĐH cho phép Trường Cao đẳng ASEAN được tuyển sinh năm 2013 và tiếp tục liên kết với Trường Trung cấp Đại Việt để đào tạo tiếp số sinh viên đã tuyển sinh trình độ cao đẳng hệ liên thông tại TPHCM và cấp bằng vừa làm vừa học theo quy định hiện hành.



Trường CĐ Asean được tuyển sinh trở lại năm 2013.

Trước đó, ngày 17/6/2013, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã quyết định dừng tuyển sinh năm 2013 lý do:Trường Cao đẳng Asean đã vi phạm quy định tại Điều 5, Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 2/12/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về giáo dục.

Sau đó, Bộ GD-ĐT đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường Cao đẳng Asean với số tiền lên tới 245 triệu với các vi phạmvới các lý do: Trường Cao đẳng Asean tổ chức tuyển sinh liên thông từ trung cấp lên cao đẳng chính quy năm 2012 vượt chỉ tiêu được giao 402,6% (chỉ tiêu được giao 600, trúng tuyển đã nhập học 2.416 sinh viên); tổ chức tuyển sinh trung cấp năm 2012 vượt chỉ tiêu được giao 164,3% (chỉ tiêu được giao 300, trúng tuyển đã nhập học 493 học sinh); có 46/199 hồ sơ sinh viên đã kiểm tra hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trúng tuyển và nhập học năm 2012 của Trường Cao đẳng Asean sai đối tượng;mở lớp giảng dạy trình độ cao đẳng chính quy ngoài trụ sở chính của trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tổ chức hoạt động liên kết đào tạo không đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định...

Thanh tra Bộ GD-ĐT buộc Trường Cao đẳng Asean phải chấm dứt mọi hoạt động tuyển sinh, đào tạo trái phép ngoài trường, rà soát lại đối tượng trúng tuyển,giải quyết hậu quả đối với số sinh viên đã theo hướng: Những sinh viên đã tuyển sai đối tượng thì phải buộc thôi học, trả lại các khoản tiền đã thu của người học và chịu mọi chi phí cho việc hoàn trả, giải quyết hậu quả (nếu có).

Những sinh viên đủ điều kiện trúng tuyển hệ chính quy theo quy định đối với các lớp đặt tại các địa điểm ngoài Trường phải chuyển về trụ sở của Trường Cao đẳng Asean (tại Văn Lâm, Hưng Yên) hoặc chuyển sang cơ sở đào tạo có đủ điều kiện (do Trường Cao đẳng Asean tự liên hệ, thỏa thuận) để tổ chức đào tạo theo quy định...

Không đồng ý với kết luận của thanh tra Bộ GD-ĐT, Trường Cao đẳng ASEAN đã khởi kiện Thanh tra Bộ GD-ĐT lên Tòa án nhân dân TP Hà Nội vì có những quyết định không đúng.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 28/10, bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng ASEAN cho biết: "Sau khi ra tòa, Bộ GD-ĐT đã làm việc lại với lãnh đạo trường và kiểm tra lại những báo cáo so với thực tế như đảm bảo quyền lợi người học ở TP.HCM, đảm bảo giảng viên cơ hữu đang hoạt động tại trường và đồng ý cho trường tuyển sinh trở lại, đó là điều rất mừng đối với trường. Tuy nhiên, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại mức phạt cho hợp lý vì mức phạt hiện nay quá nặng với trường".

Đây có lẽ là trường CĐ đầu tiên mà Bộ GD-ĐT nhanh chóng cho phép tuyển sinh trở lại sau 4 tháng ra quyết định dừng tuyển sinh.

Giáo dục sau năm 2015: Giảm môn học THCS, phân hóa mạnh bậc THPT

00:53 |
Theo thiết kế ban đầu của Bộ GD&ĐT, hệ thống môn học và hoạt động giáo dục sau năm 2015 sẽ thay đổi khá nhiều so với chương trình hiện hành. Thi cử cũng được đổi mới theo hướng giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh ĐH thì để các trường tự chủ.


Lớp 11,12 chương trình sẽ được thiết kế theo hướng phân hóa. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trong hai ngày 26 - 27/10, trong một hội thảo có tính chất nội bộ được tổ chức tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra thiết kế khá cụ thể hệ thống môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Tích hợp rồi phân hóa

Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT, một trong những định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông là thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020. Vì thế, chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 phải đảm bảo cho học sinh kết thúc lớp 9 có tri thức phổ thông nền tảng, cơ bản và chuẩn bị phân hóa mạnh sau THCS, các năm học THPT, học sinh phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sinh phổ thông có chất lượng.

Đồng thời, những người thiết kế chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 cũng sẽ phải đặc biệt quan tâm tới yêu cầu giảm tải mà dư luận xã hội đặt ra cho ngành GD&ĐT trong suốt những năm qua. "Nội dung chương trình sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng số môn học chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho học sinh tự chọn", ông Đỗ Ngọc Thống cho biết.

Chủ trương tích hợp được hiện thực hóa ngay từ nội dung chương trình lớp 1, lớp 2: môn đạo đức không còn là một môn học như hiện nay mà được tích hợp với tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục. Theo đó, lớp 1, lớp 2 sẽ chỉ có ba môn: Toán, tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên & Khoa học Xã hội. Ngoài ra, còn có bốn hoạt động giáo dục: thể dục, âm nhạc, mĩ thuật, hoạt động tập thể. Sẽ không còn hoạt động thủ công riêng rẽ mà được tích hợp trong hoạt động mĩ thuật.

Số môn học ngày càng nhiều hơn từ lớp 3, nhưng lên đến THCS cũng chỉ có 7 môn bắt buộc (thay vì 11 môn như hiện nay). Để đạt được điều này, kỹ thuật mà các nhà làm chương trình sử dụng là gộp nhiều môn vào hai môn: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội.

Tuy nhiên, đến lớp 10, những môn đã được gộp vào hai môn ở cấp THCS lại sẽ được tẽ ra để thành các môn riêng: lý, hóa, sinh, địa, sử.v.v...Tổng cộng học sinh phải học bắt buộc tới 11 môn, chưa kể các hoạt động giáo dục. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì giai đoạn lớp 10 là "dự hướng", nghĩa là giai đoạn giúp học sinh bước đầu định hướng nghề nghiệp.

Lên lớp 11 và 12 chương trình được thiết kế theo hướng phân hóa. Tất cả học sinh bắt buộc học ba môn: văn, toán, ngoại ngữ 1. Ngoài ra các em phải học 3 môn tự chọn bắt buộc nữa. Bắt buộc nghĩa là kiểu gì cũng phải học thêm ba môn nữa, tự chọn nghĩa là có thể chọn học môn mà mình thích.

Đổi mới thi sẽ gắn với đổi mới chương trình


Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với xu hướng thúc đẩy việc dạy và học theo hướng phân hóa. Tuy nhiên, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP HCM đã đề cập những khó khăn trong việc dạy học phân hóa ở Hàn Quốc để cảnh báo kịch bản tương tự có thể lặp lại ở VN, trong đó có việc học sinh chỉ chọn những môn có lợi cho việc chuẩn bị thi ĐH.

Nếu dạy học phân hóa, hầu hết học sinh sẽ tập trung vào các môn tự nhiên, giáo viên các môn xã hội không đủ giờ dạy, dẫn đến sự xáo trộn về nhân lực trong ngành GD và tác động đến việc đào tạo ở các trường sư phạm. Xu hướng học sinh đổ xô chọn khối A bấy lâu nay ở ta là một căn cứ cho mối lo ngại này.

"Ngoài những hiện tượng như đã diễn ra ở Hàn Quốc, chúng ta còn có nỗi lo về cơ sở vật chất, nhất là phòng học, chất lượng đội ngũ giáo viên, năng lực quản lý", PGS Bùi Mạnh Hùng chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng bày tỏ sự lo ngại khi nhận xét chính cách thi cử đánh giá đã phá hỏng những nỗ lực về đổi mới phương pháp dạy học mà Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện kể từ khi đổi mới chương trình SGK năm 2002.

"Thuận lợi cho những sự chuẩn bị đổi mới chương trình lần này là T.Ư Đảng đã thông qua đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Chúng ta đã thống nhất cao chương trình sắp tới phải có thay đổi quan trọng là chuyển từ quan tâm trang bị kiến thức sang quan tâm phát triển năng lực người học, chuyển từ hư học sang thực học, thực việc.

Chúng ta đã đổi mới phương pháp dạy học nhưng hiện vẫn chưa hiệu quả, một trong những lý do là chưa đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học với kiểm tra đánh giá. Lần này nhất định phải làm một cuộc cách mạng trong vấn đề này", ông Nguyễn Vinh Hiển nói.

Hiện Bộ GD&ĐT chưa có phương án cụ thể về đổi mới thi, nhưng trong thiết kế môn học và các hoạt động giáo dục của chương trình sau năm 2015 vấn đề này được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc.

Hào hứng chuẩn bị cho Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013

00:51 |
Sau tiếng hô "bắt đầu" của thầy giáo, các "chuyên gia nhí" hộc tốc bê rổ linh kiện về chỗ ngồi hí hoáy lắp ráp. Chỉ một lát sau, những con robot tự hành đã bắt đầu công việc theo lập trình của mỗi nhóm, trên sa bàn "thành phố thông minh".

Chỉ còn ít ngày nữa, cuộc thi Robothon Quốc gia năm 2013 do Liên danh DTT -Eduspec phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng, với chủ đề: "Thành phố thông minh". Năm nay, có sự tham gia của 48 đội tuyển trên khắp cả nước, do Liên doanh tập đoàn DTT-EDUSPEC tổ chức giảng dạy.

Đây là một trong những hoạt động nhằm từng bước đưa hoạt động giáo dục Robotics phát triển trong các trường tiểu học và THCS ở Việt Nam, tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục có tính khoa học, sáng tạo, đồng thời lựa chọn những đội tuyển xuất sắc nhất để chuẩn bị cho cuộc thi Robotics Quốc tế 2013 diễn ra vào cuối tháng 11 tại Thủ đô Manila, Philippines.

Chúng tôi đã được chứng kiến không khí chuẩn bị rất khẩn trương, tuy nhiên cũng không kém phần sôi nổi hào hứng tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, một trường dân lập nổi tiếng ở Hà Nội. Năm nay, trường đặt mục tiêu vô địch cuộc thi.

Hào hứng chuẩn bị cho Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013
Học sinh trường Đoàn Thị Điểm say mê lắp ráp robot
Hào hứng chuẩn bị cho Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013
Giáo viên hướng dẫn học sinh lập trình cho robot

Thầy giáo Trần Văn Cường, chủ nhiệm lớp luyện đội tuyển cho biết, trường có 4 đội đi thi, mỗi đội 3 người, chia làm hai cấp độ: lứa tuổi 7-9 tuổi và 10-12 tuổi. Trong khi các lớp học về Robotics của trường có hàng trăm em, em nào cũng giỏi, nên lựa chọn rất khó khăn. Việc tuyển lựa rất gay gắt, với những tiêu chí rất cao.

Bình thường, các em trong đội tuyển chỉ học 2 tiết một tuần, nhưng cuộc thi sắp diễn ra, nên phải tăng cường học thêm, ôn luyện ngoài giờ để các em hoàn thiện kỹ năng ở mức tốt nhất.

Tất cả đều háo hức chờ đợi đến ngày tranh tài với các đội tuyển khác trên toàn quốc.

Trong những ngày này, các đội tuyển Robotics của trường tiểu học Vietkids, Mễ Trì B, Xuân Đỉnh... cũng đang tập trung rèn luyện tích cực để chuẩn bị cho cuộc thi Robotics Quốc gia 2013 diễn ra tại Đà Nẵng. Trường Vietkids và Xuân Đỉnh, mỗi trường có 5 đội tuyển tham gia, trường Mễ Trì B có 2 đội tuyển sẽ lên đường vào Đà Nẵng thi đấu. Trong những ngày này, các đội tuyển đã thi đấu với nhau, nhằm chuẩn bị tốt nhất cả về kiến thức lẫn tinh thần cho cuộc thi sắp tới.
Dường như, sự có mặt của những người lạ trong phòng Lab, trong đó có các phóng viên, không hề gây sự chú ý đối với các "chuyên gia nhí". Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào những con số, những sơ đồ phức tạp trên máy tính, và một rổ hàng trăm linh kiện khác nhau đã được chuẩn bị sẵn.

Sau tiếng hô "bắt đầu" của thầy giáo, những bàn tay nhỏ nhắn ngay tức khắc nhoay nhoáy với đống linh kiện, và chỉ vài phút sau, con robot của nhóm đã hoàn thiện.

Trong khi 2 "chuyên gia" lắp ráp, thì Đỗ Thái Minh Long (8 tuổi) lại cặm cụi với công việc lập trình của mình. Đây là công việc cực kỳ phức tạp, cài đặt phần mềm, "thổi hồn" cho con robot.

Em phải tính toán kỹ lưỡng về đường đi, tốc độc đi, khoảng cách, thực hiện công việc... chính xác đến từng milimet, rồi nhập những phần mềm đã được tính toán đó vào robot.

Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Minh Long đã là một lập trình viên ưu tú của đội tuyển. "Con rất mê tìm hiểu và học hỏi môn học sáng tạo này, bố mẹ con cũng rất khuyến khích. Con đang cố gắng lập trình để con robot của mình thực hiện công việc được nhanh nhất, qua đó sẽ giành chiến thắng trong cuộc thi", Minh Long hồ hởi nói.

Khi được hỏi về mơ ước sau này, Minh Long cho biết em sẽ nuôi khát vọng trở thành một chuyên gia chế tạo và lắp ráp robot.

Với tiêu chí của cuộc thi năm nay, các đội tuyển tham gia thi đấu sẽ sử dụng trí thông minh, tư duy sáng tạo của mình để lắp ráp, cài đặt robot nhằm giải quyết các vấn đề mà đề bài đưa ra, giúp thành phố của mình trở thành một "Thành phố thông minh".

Các "chuyên gia nhí" không hề để ý tới phóng viên, đưa máy ảnh chụp cũng mặc kệ. Mọi sự quan tâm dồn hết vào màn hình máy tính và con robot.

Hào hứng chuẩn bị cho Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013
Robot đã được ráp xong sau vài phút
Hào hứng chuẩn bị cho Cuộc thi Robothon Quốc gia 2013
Thi đấu thử

Chỉ vài phút, sau khi robot hoàn thành và đã được cài phần mềm, 4 đội chí chóe tranh nhau chạy thử sản phẩm của mình trên sa bàn. Do yêu cầu chính xác tuyệt đối, nên chỉ một sai sót nhỏ, công việc sẽ không thực hiện được, các nhóm lại lập tức sửa chữa, hoàn thiện robot.

Tôi ấn tượng với một cậu học sinh có cặp kính cận dày cộp, khuôn mặt thông minh, sáng láng, đang tỉ mỉ hí hoáy chỉnh sửa lại con robot. Cậu tên là Vũ Đình Tuân, học lớp 5 trường Đoàn Thị Điểm. Tuân theo học bộ môn này từ khi bắt đầu được đưa vào giảng dạy tại trường.

Tuân là "chuyên gia lắp ráp" có tiếng của đội. Với cậu, đây là công việc yêu cầu phải có trí thông minh và tính sáng tạo rất cao, rất bổ ích, được học thêm nhiều kiến thức mới. Tuy nhà xa, nhưng bố mẹ luôn ủng hộ, chăm sóc và đưa đón, cậu chưa bao giờ nghỉ một tiết học Robotics nào.

"Năm nay có nhiều đội mạnh, nhất là Đà Nẵng, Sài Gòn... và cả Hà Nội nữa, nhưng đội của cháu sẽ vô địch", Tuân tự tin khẳng định.

Thầy Nguyễn Bá Tuấn, phụ trách công nghệ thông tin Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, môn học Robotics là tự nguyện, như các môn năng khiếu khác. Cho đến nay, đã có hàng trăm em tham gia và say mê học tập. Các em được học cả lý thuyết lẫn thực hành và được giảng dạy bởi các chuyên gia.

Trẻ em vốn rất thông minh, lanh lợi từ lớp 1. Vấn đề là cần khuyến khích phát triển tư duy logic của trẻ một cách phù hợp. Cách vừa học vừa chơi là phù hợp nhất.

"Các em đang rất háo hức và tích cực chuẩn bị kiến thức đầy đủ cho cuộc thi sắp tới. Sau cuộc thi này, đặc biệt là được giải, được tôn vinh, chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ quan tâm, tìm hiểu và đầu tư hơn nữa cho con cái theo học".

Robot là tác nhân đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đất nước. Trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, ở đâu cũng cần có robot như: nông nghiệp, công nghiệp, logistics, quản lý Nhà nước, điều khiển giao thông, giám sát xuất xứ hàng hóa...

Với chủ đề "Thành phố thông minh" trong cuộc thi tới đây, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ khơi dậy phong trào học tập sáng tạo robot trên khắp đất nước. Qua đó, hy vọng học sinh sẽ có một môi trường học tập tích cực, ứng dụng môn tin học ngay từ lứa tuổi mầm non, tiểu học để hoàn thiện các kỹ năng học tập thế kỷ 21 và trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.

Chủ đề cuộc thi Robothon Quốc gia 2013 năm nay là "Thành phố thông minh". Một vấn đề được đặt ra là trong vài thập kỷ tới, đô thị sẽ phát triển rất nhanh chóng về quy mô và tốc độ, và kéo theo hàng loạt vấn đề như xử lý các dòng dữ liệu khổng lồ từ các nguồn về thành phố và dân cư như: thảm họa thiên nhiên và khí hậu, chi phí sinh hoạt, tỉ lệ tội phạm, giao thông, giáo dục và các khía cạnh khác.

Vì vậy học sinh cần xây dựng giải pháp để giải quyết trước các vấn đề đặt ra là xây dựng một "Thành phố thông minh" mà ở đó có trung tâm chỉ huy mạng sẽ phân tích các dữ liệu được thu thập và hoạt động như một "não bộ trung ương" cho toàn thành phố.

Hệ thống không dây cho phép các phương tiện và cơ sở hạ tầng tương tác để cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng như môi trường, theo dõi chặt chẽ việc ứng phó và ngăn chặn tội phạm. Đường truyền thông tin bằng tia laser sẽ truyền dữ liệu nhanh gấp 1000 lần so với sóng radio, và việc xây dựng bãi để xe trên không sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng giao thông trong đô thị.

Đại học Nội vụ: Lợi dụng 'xã hội hóa' để lạm thu

00:41 |
Ngoài việc nộp học phí theo mức quy định, mỗi sinh viên ĐH Nội vụ còn phải nộp thêm khoản được gọi là "Hỗ trợ đào tạo" với mức 3 triệu đồng/năm.
Chính vì vậy, sinh viên (SV) trường này bức xúc "trường công gì mà hệ đại học thu gần 8 triệu đồng, hệ cao đẳng gần 7 triệu đồng, cao hơn cả trường tư". Vậy lãnh đạo Trường ĐH Nội vụ lý giải gì về vụ việc này?

Theo nội dung đơn, ngoài học phí phải nộp theo quy định của Bộ GD-ĐT (hệ ĐH: 450.000 đồng/tháng, hệ CĐ: 390.000 đồng/tháng) cũng như các khoản bảo hiểm, vệ sinh, an ninh, đồng phục thể thao, chỗ ở ký túc xá... thì nhà trường còn quy định khoản thu "Hỗ trợ đào tạo" với mức 3 triệu đồng/năm cho hệ đại học và 2,5 triệu đồng/năm cho hệ cao đẳng. Chỉ riêng hai khoản học phí và "hỗ trợ đào tạo" hệ đại học, SV đã nộp xấp xỉ 8 triệu đồng/10 tháng học (một năm học).

Biên lai thu tiền
Biên lai thu tiền
Được sự ủy quyền của hiệu trưởng nhà trường, ông Trần Xuân Hòa - Trưởng phòng KH-TC trao đổi với chúng tôi, thừa nhận, đúng như sinh viên phản ánh, trường có quy định khoản thu "Hỗ trợ đào tạo".

Lý do được ông Hòa nêu ra là, khoản thu này được trường bổ sung cho nguồn đào tạo và tăng cường cơ sở vật chất cho trường nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy...

Tuy nhiên, khi đề nghị trả lời vào câu hỏi, những khoản thu như vậy có đúng không? Ông Hòa thừa nhận: Đây là "sự vận dụng" của từng trường và cho biết, hằng năm các khoản thu này đều có báo cáo Bộ GD-ĐT và báo cáo định kỳ với bộ chủ quản (Bộ Nội vụ).

Vậy khi kiểm toán họ có nói gì về khoản thu này không? Trước câu hỏi này của chúng tôi, ông Hòa cho biết, kiểm toán có nhắc nhở: Thu khoản đó làm mục đích gì thì ghi cái đó một cách chung chung, nhưng không được ghi là học phí, phí, lệ phí...

Ông Hòa cũng nêu những bất cập của cơ chế hiện tại khiến trường gặp không ít khó khăn về kinh phí. Nhưng, điều mà cả xã hội đều biết, đa số sinh viên và gia đình họ còn khó khăn hơn nhiều.

Chỉ riêng khoản học phí đã là gánh nặng của nhiều nhà, nay lại nộp thêm khoản "hỗ trợ" gần bằng cả học phí thì quả là quá sức với không ít gia đình.

Mặt khác, nếu so sánh với các trường đại học dân lập thì thấy rõ hơn sự phi lý của khoản thu được gọi là "hỗ trợ..." này.

Cụ thể, các trường dân lập phải hoàn toàn lo về cơ sở vật chất, không được Nhà nước hỗ trợ tiền, trong khi học phí cũng chỉ tương đương mức tổng thu ấy (cùng ngành nghề đào tạo), nhưng tại sao vẫn có thể tồn tại được và sống khỏe nếu cũng tuyển sinh được lượng sinh viên như vậy.

Do đó, dư luận khó có thể chấp nhận về khoản thu "hỗ trợ..." không đúng nguyên tắc này. Dư luận mong rằng Bộ Nội vụ, Bộ GD- ĐT cần sớm cho dừng những khoản thu kiểu như thế này dưới tên gọi mỹ miều: Xã hội hóa.

Ra trường thất nghiệp... đi bán cám cò

21:48 |
Sau khi tốt nghiệp, để bám trụ lại Hà Nội, nhiều sinh viên đành chấp nhận chạy xe ôm, bán cám cò, làm thuê đủ nghề để mong có cơ hội tìm kiếm được một công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo.
Mòn mỏi chờ việc

Trần Thị Hoàn (1989) sinh ra ở một vùng nông thôn Vĩnh Phúc. Thu nhập của cả gia đình Hoàn chỉ trông vào mấy sào ruộng.

Dù rất muốn học Trường ĐH Thương mại để khi ra trường làm nhân viên văn phòng, nhưng cuối cùng đành gác lại ước mơ và quyết định thi vào trường sư phạm để bố mẹ bớt được gánh nặng học phí.

Bốn năm học ở trường, Hoàn luôn cố gắng để đạt kết quả học tập thật tốt với hy vọng khi ra trường có tấm bằng khá, giỏi để dễ xin việc.

Ra trường với tấm bằng khá trên tay, nhưng đã hai năm nay, Hoàn đi hết chỗ này chỗ kia xin việc nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Không thể ngồi chờ, Hoàn đã xin đi làm tạm thời ở siêu thị để kiếm tiền nuôi thân. "Còn giấc mơ làm cô giáo vẫn còn xa vời vì chưa có chỉ tiêu"- Hoàn chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ, Phạm Như Thảo quê Thanh Hóa cũng "tiến thoái lưỡng nan" vì đã ba năm mang hồ sơ đi rải khắp các nơi tuyển dụng về chuyên ngành kế toán nhưng vẫn chưa tìm được việc.

lao động, thất nghiệp, kinh tế, người lao động, việc làm, sinh viên

Để bám trụ lại Hà Nội, Thảo đã chọn công việc làm xe ôm. Thảo cho biết, ngày đông khách kiếm được khoảng 120 nghìn đồng, còn những ngày bình thường bỏ túi được 60-70 nghìn đồng.

"Số tiền kiếm được vừa đủ để chi trả cho sinh hoạt hằng ngày. Nhiều khi ốm đau không đi làm được, không có tiền nên chỉ ăn mì gói. Nhưng lý do mình làm xe ôm là muốn có cơ hội để tiếp cận với thông tin về tuyển dụng và biết đâu số phận may mắn sẽ gặp được ai đó giúp tìm việc", Thảo tâm sự.

"Tiếp thị cám cò để trang trải cuộc sống"

Éo le hơn là tình cảnh của anh H (Bắc Giang), khi chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, có người hứa sẽ tìm việc giúp với chi phí 100 triệu đồng.

Vì là chỗ quen biết, nên gia đình anh H đã liều đi vay ngân hàng để lo lót cho anh vào ngân hàng. Nhưng "đâu ngờ", ra trường được một tháng, hai tháng rồi một năm, việc làm chưa thấy đâu thì người quen đã biến mất. Sau đó, anh H tự đi nộp hồ sơ ở rất nhiều nơi nhưng cũng không được nhận.

"Khi tình hình kinh tế khó khăn, nhiều Ngân hàng buộc phải cắt giảm lương, thậm chí sa thải nhân viên dưới hình thức tự nguyện xin nghỉ việc thì sinh viên mới ra trường khó chen chân trong thị trường việc làm ngân hàng là điều dễ hiểu. Giờ mình đi tiếp thị cám cò để có tiền trang trải cuộc sống"- anh H tâm sự.

Không cần "thầy" thì làm "thợ"

"Trước kia, ngành Tài chính - Ngân hàng, Điện tử - Viễn thông... đang là những ngành được ưa chuộng nên mình cũng đi học theo "xu hướng". Giờ thì thấm thía thế nào là "xu hướng" rồi. Xu hướng thay đổi thì mình cũng phải thay đổi thôi. Xã hội không cần "thầy" thì mình làm "thợ", Nguyễn Tình, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ.

Hiện Tình hiện đang là công nhân ở khu công nghiệp Khai Quang (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Bên cạnh đó, Nguyễn Tình cho biết, có thực tế là, khi vào các khu công nghiệp, không khó để tìm các công nhân có trình độ đại học.

Tương tự, ra trường với tấm bằng loại ưu, lại có quen biết nên Hạnh nhanh chóng được ký hợp đồng vào giảng dạy tại một trường cấp ba của huyện.

"Ban đầu, dù lương hợp đồng bèo bọt không đủ tiền xăng xe và chi phí sinh hoạt vẫn phải cố chịu đựng vì tâm huyết với nghề. Nhưng sau một thời gian dài vật lộn, mình quyết định thôi dạy để đi bán hàng", Hạnh thở dài.

Cũng giống như Hạnh, Lê Huyền, sau khi ra trường, được nhận vào làm nhân viên kinh doanh tại Công ty X. Nhưng làm việc được ba tháng, cô đành ngậm ngùi rút lui vì không chịu được áp lực công việc.

lao động, thất nghiệp, kinh tế, người lao động, việc làm, sinh viên

"Một ngày mình phải làm việc từ 9 đến 10 giờ, phải tìm được khách hàng đủ định mức mà công ty giao, nếu không đủ định mức sẽ bị trừ lương. Mà thời này tìm khách hàng khó hơn tìm "sao" nên mình chuyển sang làm nhân viên bán hàng, công việc nhẹ nhàng lại đủ sống", Huyền nói.

Đồng thời, Huyền cho biết thêm, trong lớp ĐH có gần 100 người học chuyên ngành Tài chính- Ngân hàng của trường ĐH Lương Thế Vinh nhưng hiện nay chỉ có hai người đang làm việc đúng ngành, số còn lại người chưa xin được việc, người vì không chịu nổi áp lực công việc nên chuyển ngành, chuyển nghề.

Trao đổi với Một Thế Giới, thầy Hà Huy Phượng - Phó trưởng khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, việc làm không thiếu.

Tuy nhiên, có một thực trạng là sinh viên đại học ra trường không xin được việc làm như mong muốn. "Có nhiều lý do dẫn tới thực trạng đó. Đó là sinh viên không đáp ứng được nhu cầu của xã hội; "nước chảy chỗ trũng" - hồ sơ nhiều nhưng lượng tuyển ít", thầy Phượng nói.

Đồng thời, theo thầy Phượng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, sinh viên phải không ngừng rèn luyện mình, trau dồi tri thức, học sâu về chuyên ngành mà mình đã chọn để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Được tạo bởi Blogger.